Trong tim nhiều người Việt, Tết cổ truyền vẫn là điều rất thiêng liêng

Xung quanh vấn đề có nên gộp giữa Tết dương lịch và âm lịch hay không có rất nhiều ý kiến tranh cãi, bình luận. Liệu việc gộp đó có thật sự là mong muốn chung của tất cả mọi người?
Cứ vào độ cuối năm, khi bắt đầu chuẩn bị đón Tết dương lịch và cận Tết âm lịch chúng ta lại bắt đầu chứng kiến những tranh luận, bàn cãi, đề xuất việc nên chăng bỏ hẳn Tết cổ truyền, thay vào đó là ăn Tết và nghỉ lễ như các nước phương Tây. Điều này có thật sự là mong muốn chung của tất cả mọi người?
Nhiều độc giả Kul.vn đã bày tỏ quan điểm của mình xung quanh vấn đề Tết cổ truyền:
Bạn Bùi Thúy Hằng (21 tuổi, người mẫu tự do) nêu ý kiến của mình: “Nhiều người cho rằng lớp trẻ bây giờ thờ ơ với Tết cổ truyền, với ai em không biết nhưng với em Tết cổ truyền là văn hóa, là nét đặc sắc riêng của người Việt Nam. Trên đà phát triển của đất nước, chúng ta nên hòa nhập chứ đừng hòa tan bản chất văn hóa lâu đời ông bà ta để lại. Năm nào gần Tết em cũng nôn nao để được ngắm chợ Tết, được chụp hình đường hoa, được về nhà canh nồi bánh tét, bánh chưng. Chưa bao giờ em thấy chán Tết cả.”

Còn đối với anh Phạm Cận (32 tuổi, công nhân khu công nghiệp Việt Nam – Singapore), hơn 10 năm nay, Tết là một điều gì đó vô cùng háo hức, đáng để chờ đợi: “Năm nào anh cũng tham gia đầy đủ các buổi văn nghệ, tổng kết năm của công ty. Anh thấy Tết cổ truyền rất hay, nó là sợi dây gắn kết tình cảm giữa bạn bè với bạn bè, gia đình với gia đình. Nếu không có Tết, không biết bao giờ người với người mới có dịp ngồi lại với nhau, chia sẻ cho nhau những câu chuyện buồn vui một năm qua."

Chị Nguyễn Yến Nhi (28 tuổi, Phó giám đốc công ty du lịch Nụ Cười Việt): “Làm gì thì làm, tới Tết là mình bỏ hết các lịch trình tour tuyến để về với gia đình. Tết với nhiều người trở nên nhàm chán nhưng với bản thân mình và gia đình mình chẳng bao giờ là đủ để bên nhau cả.”

Nói về việc nên chăng bỏ Tết cổ truyền, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (Hãng phim truyện Việt Nam) có những chia sẻ về quan điểm cá nhân vô cùng thú vị: “Tết cổ truyền là kì nghỉ lễ duy nhất xứng đáng. Ở phương Tây, khi bông tuyết đầu tiên rơi xuống là mùa vụ chấm dứt, những củ khoai tây không bị đóng băng ngoài đồng, người ta có kì lễ Noel và năm mới. Tết Việt Nam cũng vậy, nó là kì lễ của đạo Lão - tôn giáo duy nhất đồng hành cùng các tôn giáo khác để người ta tưởng nhớ tổ tiên và sum họp gia đình. Vậy nên là người Việt, dù ở bất cứ đâu trên thế giới này đều không thể vì suy nghĩ vị kỷ riêng của mình mà bỏ Tết cổ truyền.”

Nhà báo Phạm Trung Tuyến đã viết: “Một nửa dân số của đất nước này có hộ khẩu ở nông thôn. Họ là ai? Họ là những con người dành tất cả sức lực, tâm trí của mình để làm bệ phóng cho những đứa con thoát ly khỏi nông thôn, và chờ chúng trở về, mỗi Tết. Họ là những người vài năm trước còn là những đứa trẻ lều chõng lai kinh kiếm mảnh bằng đại học để có cơ hội lập thân nơi thị thành theo ý nguyện mẹ cha.
Phần lớn thời gian trong suốt một năm trời, họ đã sống một cuộc sống khác thường, phần lớn trong những khu nhà trọ tồi tàn, những căn phòng nơi góc cầu thang nhà phố, với thú vui tinh thần gần như duy nhất là kết bạn làm quen, trò chuyện gẫu qua những chương trình radio giải trí.
Tết, với những con người ấy luôn là sự chờ mong. Khoảng thời gian nghỉ Tết mà nhiều người đang thấy rằng lãng phí và phiền toái ấy lại cũng là khoảng thời gian ngắn ngủi để hàng chục triệu con người được sống cuộc sống của con người, được sống với người thân, ăn bữa cơm nhà, cắm một nhành hoa, la cà ký ức, nô nức hội hè…” (Trích: Cãi nhau vì "gộp" Tết: Khi con người chúng ta lãng quên nhau)

Đã có rất nhiều ý kiến và tranh cãi xoay quanh ngày Tết từ ngàn xưa của dân tộc. Dĩ nhiên, quan điểm cá nhân luôn là điều đáng được tôn trọng, người muốn giữ có cái lý của người giữ, người muốn bỏ cũng có những trăn trở riêng của họ. Những ý kiến trên đây cũng chỉ là một phần trong dư luận đa chiều. Nhưng dẫu sao, chúng ta cũng phải thật vui vì Tết cổ truyền trong lòng nhiều thế hệ người Việt vẫn thiêng liêng và đáng tự hào.
Sẽ vẫn còn đó những tranh luận khôn nguôi mỗi khi Tết về, nhưng giữa khúc giao mùa năm cũ và năm mới này hãy tạm gác nó sang một bên, tất cả chúng ta đều có quyền hy vọng, có quyền ước nguyện cho một cái Tết Đinh Dậu 2017 với thật nhiều hạnh phúc, bình yên.