Tết Nguyên đán đi qua, hình ảnh xấu xí vẫn còn đọng lại

Cứ mỗi một mùa lễ hội kết thúc, người ta lại bàn về vấn đề ý thức kém tồn tại từ năm này qua năm khác, và trong đợt Tết Nguyên đán 2017 vừa rồi cũng thế.
Tết Nguyên đán 2017 đã đi qua, người người nhà nhà lại quay về với guồng quay cuộc sống thường nhật. Dù vậy, sau một mùa lễ lớn trong năm, thứ đáng để đọng lại là dư vị đẹp đẽ thì người ta chỉ còn nhớ đến những hình ảnh không đẹp mắt về ý thức của một bộ phận người dân.
Rác và váy ngắn "bủa vây" nhiều ngôi chùa
Ngay ngày đầu năm mới, chúng ta đã phải chứng kiến một ngôi chùa ở Huế tràn ngập rác thải, chai nhựa và những hành vi vô ý thức như cố tình cắm nhang không đúng nơi quy định, hay nhiều bạn nữ vẫn vô tư diện trang phục cũn cỡn đến Đền Sái Đông Anh (Hà Nội) dù thừa hiểu đây là nơi trang nghiêm.




Đó chỉ là một trong số ít những hình ảnh được ghi nhận lại và lan truyền trên mạng xã hội, còn đâu đó ở hàng trăm ngôi chùa trên khắp cả nước, tình trạng này vẫn không quá khó để bắt gặp. "Đi lễ chùa cũng là một nét văn hoá đẹp, văn hoá đẹp thì ý thức cũng phải đẹp. Hãy tôn trọng đức Phật và những phật tử xung quanh khi đi lễ chùa" là một bình luận của cư dân mạng khi chứng kiến những khung cảnh xấu xí này.
Chùa Linh Quy Pháp Ấn "thất thủ"
Linh Quy Pháp Ấn vốn là nơi thờ phụng linh thiêng, nhưng thời gian gần đây lại nổi lên như một địa điểm du lịch thu hút rất nhiều bạn trẻ gần xa. Lượng khách tham quan bỗng nhiên tăng "đột biến" và bỗng chốc, khung cảnh lung linh huyền ảo biến mất và thay vào đó là những hành động hết sức phản cảm của bộ phận người trẻ.










Ngôi chùa Linh Quy Pháp Ấn độc đáo và tuyệt đẹp này chắc chắn sẽ ngày càng thu hút nhiều du khách đến ngoạn cảnh, từ đó kéo theo tình trạng vô ý thức này tiếp diễn. Rồi đây sẽ thế nào nếu có một ngày nó hoang tàn do chính bàn tay con người hoặc nhà chùa phải đóng cửa, cấm khách tham quan bởi những hành vi hủy hoại này?
Đà Lạt mộng mơ chìm trong biển rác
Vốn là một điểm đến du lịch quen thuộc đối với du khách, nhưng đợt Tết Nguyên đán vừa qua, lượng khách thập phương lại đổ về Đà Lạt tăng cao đỉnh điểm. Người đông, mà ý thức lại kém, nên lượng rác thải tràn ngập thành phố xinh đẹp.
Các túi nilon, hộp xốp, cốc, vỏ chai nhựa ngập tràn mọi ngóc ngách tại trung tâm thành phố. Đặc biệt là khu vực tượng đài và quảng trường Lâm Viên là những nơi tập trung đông khách du lịch đến tham quan nhất. Thành phố sương mù được xem là đáng sống trong dịp Tết này được nhiều người gọi với cái tên "thành phố rác".




Đây được xem như lần đầu tiên Đà Lạt rơi vào tình trạng này, khiến nhiều người bày tỏ sự lo ngại cảnh quan thơ mộng của thành phố sẽ bị "nhấn chìm" bởi sự vô ý thức của du khách.
"Hôi hoa" ở buổi bế mạc đường hoa Nguyễn Huệ
Ban đầu, đường hoa xuân Nguyễn Huệ dự kiến diễn ra đến tối mùng 4 Tết. Tuy nhiên, theo chỉ đạo của lãnh đạo TP.HCM, đường hoa được kéo dài thêm một ngày để đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn của người dân.
Và cũng như mọi năm, khung cảnh nhiều người dân "hôi hoa" mang về nhà lại tái diễn. Dù bảo vệ được tăng cường để ngăn cản nhưng từng nhóm người vẫn xông vào lấy hoa. Đến khi công nhân thu gom lại, một nhóm khác vượt hàng rào, lao vào bê hoa ra mang về.




Khung cảnh "giành lộc" hỗn loạn tại lễ hội chùa Hương
Đầu năm, mọi người nô nức đi du xuân, lễ chùa để cầu may mắn, bình an, làm ăn thuận buồm xuôi gió trong năm mới. Người dân cũng quan niệm rằng, có được lộc của nhà chùa, một năm đó tiền tài sẽ vào như nước, làm ăn tấn tới.
Chính vì vậy, tại lễ hội chùa Hương vào mùng 6 Tết đã xảy ra hiện tượng tranh giành lộc rất phản cảm. Có người còn trèo lên đứng cạnh sư thầy để giành lộc, cứ mỗi khi sư thầy tung lộc rơi xuống thì nhiều người cùng cố sức tranh giành, bất chấp xô đẩy, chen lấn nhau, tạo nên một khung cảnh hỗn loạn chưa từng thấy.





Đi chùa hái lộc, xin lộc, cầu may là một nét đẹp văn hóa. Tuy nhiên, ngày nay các nét đẹp ấy dần bị biến tướng khi diễn ra sự ẩu đả, tranh giành, giẫm đạp thậm chí đã có đổ máu chỉ để cướp các vật phẩm tượng trưng cho sự may mắn.
"Đút lót" thần thánh tại chùa Bái Đính
Ngày 02/02 (tức mùng 6 Tết), chùa Bái Đính thuộc xã Gia Sinh, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình đã chính thức khai hội Xuân Đinh Dậu 2017. Và ở đó, người ta bắt gặp hình ảnh những con người thi nhau chạm vào tượng Phật đến mức bạc màu, nhét tiền lẻ vào tay Phật, mồm của những bức tượng sư tử chỉ vì quan niệm, những điều đó sẽ mang lại may mắn.





Nguyên nhân của thực trạng này là sự sai lệch trong ý thức và văn hóa cư xử của số đông những người tham gia lễ hội.
Và còn rất nhiều các lễ hội khác trong tháng Giêng ở mọi nơi dù diễn ra trong không khí rộn ràng, vui tươi đầu năm nhưng đâu đó vẫn có những hình ảnh xấu xí khiến nhiều người cũng phải lắc đầu ngán ngẩm. Tính nhân văn của nhiều lễ hội rõ ràng đã biến tướng, nhiều nơi chẳng khác nào "sàn đấu" cho những con người trỗi dậy bản tính hung hăng, hiếu thắng và tham lam.