Lì xì Tết: Tự khi nào đã chứa đầy sự so đo và tính toán

Ngày còn nhỏ, cũng như bao đứa trẻ nông thôn khác, Tết đến, điều anh em chúng tôi mong chờ nhất vẫn là được nhận tiền lì xì.
Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn nhớ lắm cảm giác hồi hộp khi nhận một phong bì đầy màu sắc đỏ vàng của hoa đào, hoa mai in trên bao lì xì ngày ấy, cực kỳ đơn sơ nhưng lại vô cùng hấp dẫn, ít nhất là trong đôi mắt của tôi ngày ngày thơ dại.
Lì xì, hẳn nhiên là càng nhiều sẽ càng vui. Nhưng dẫu có ít, tôi vẫn chưa bao giờ phải buồn.
Tôi còn có thói quen vuốt thẳng thớm những tờ tiền cũ, rồi xếp chung với tiền mới và đem cất chúng giữa những trang vở, sau đấy lại đem chồng lên mấy cuốn sách dày cộm để giữ nếp. Hết Tết, tôi mang ra đếm tới đếm lui, đem ra so sánh với đám bạn hàng xóm xem đưa nào được nhiều tiền hơn và rồi gửi má giữ hộ. Trong năm học, nào là mua thêm vở, mua thêm bút mực, mua bánh kẹo ăn vặt tôi đều nhắc má lấy tiền lì xì Tết đưa tôi. Cứ vậy cho đến hết năm, tôi không biết má đã phải bù thêm tiền vào bao nhiêu lần.
Bẵng đi thời gian dài, tôi bây giờ trở thành "người lớn" trong mắt nhiều đứa em, đứa cháu và lại thực hiện "nghĩa vụ" lì xì.
Để bọn trẻ vui thích, từ trước Tết tôi đã cẩn thận đổi những tờ tiền mệnh giá 10 ngàn đồng, 20 ngàn đồng mới cáu và những chiếc phong bì cực kì dễ thương để dành tặng bọn trẻ quê nhà.

Sáng Mồng 1, trẻ con theo cha mẹ đến nhà tôi chúc Tết. Nhận phong bì lì xì, cảm giác bọn chúng mang lại dường như không phải là cảm giác của hôm nao, khi tôi bằng tuổi chúng. Không dưới một lần tôi bắt gặp ánh mắt thất vọng của những đứa trẻ khi mở phong bao tôi tặng, có đứa còn vô ý nói rõ lớn “Có 20 ngàn thôi hả?” và không một tiếng cảm ơn nào khiến tôi chạnh lòng.
Không chạnh lòng sao được khi bọn trẻ bây giờ nhận thức sai lệch về món tiền mừng tuổi tượng trưng ngày Tết, chúng mang phong bao của người này ra so sánh với phong bao của người kia và rút ra kết luận ai tốt, ai xấu qua từng mệnh giá đồng tiền.
Không chạnh lòng sao được khi mà ngay cả người lớn đôi lúc cũng luận chuyện lì xì trước mặt con trẻ một cách thương mại hóa. Những câu nói như “Nhà kia lì xì con bao nhiêu?”, “Có nhiêu đây thôi á, lúc nãy mình lì xì con họ tận gấp đôi”… Những điều này chi phối sâu sắc đến ý nghĩ con trẻ, chúng xem lì xì là nghĩa vụ, là một điều bắt buộc trong ngày Tết mà người lớn phải thực hiện, và thực hiện tương xứng với trẻ con, nhà này phải tương xứng với nhà kia. Khi những người trẻ xem mừng tuổi đầu năm trở thành một thứ “lệ” bắt buộc thì bỗng dưng một số người lớn rút ra quan niệm mừng tuổi cũng phải “bằng người” cho “đẹp mặt”.
Đến chúc Tết nhà có điều kiện kinh tế khá giả, chủ nhà họ đã mừng tuổi cho con mình nhiều thì mình phải “đáp lễ” mừng tuổi cho con họ với số tiền bằng hoặc nhiều hơn. Có những người quanh năm làm ăn chi tiêu dành dụm tiết kiệm nhưng lại phải “bấm bụng” chi mạnh tay cho khoản tiền mừng tuổi. Chính vì vậy mà tâm lý lo đến tết, “sợ” Tết vẫn còn ám ảnh nhiều người.

Lì xì, 2 từ này phải chăng đã dần mất đi ý nghĩa thật sự hay do người ta vẫn chưa hiểu hết những "tâm ý" chứa đựng trong đó mỗi độ Tết về?
Xưa, tôi có đọc qua nguồn gốc 2 chữ lì xì, được biết nôm na rằng lì xì đọc theo tiếng Hán-Việt là “lợi sự” có nghĩa là “người ta cho cái lợi, mọi sự đều có lợi, tức là người ta mong điều đó cho mình”.

Tôi không trách được bọn trẻ ngày nay bởi thời đại nào có những suy nghĩ và nhu cầu phù hợp với thời đại đấy. Suy cho cùng, những năm tuổi thơ của tôi tờ 500 đồng có thể chia ra ăn xôi sáng được 2 lần, còn bây giờ, bọn trẻ đã quen được sống đủ đầy, được cha mẹ chu cấp không thiếu thứ gì quanh năm, việc đòi hỏi Tết phải có gì đó “hơn” ngày thường một chút cũng là điều dễ hiểu.
Nhưng đâu đó trong lòng tôi vẫn có điều gì luyến tiếc. Có lẽ bởi vì trong tôi đã từng có những cái Tết đậm đà một khoảng trời ký ức và những phong bao lì xì đơn giản, những món tiền nhàu nhĩ được tôi vuốt thẳng thớm, đem ép trong cuốn tập dày mãi chẳng thể nào phai.